Từng thích học Trường Đại học Bách khoa, nhưng cơ duyên lại đến với nghề y và là người thầy sau này, GS.TS Tạ Thành Văn (Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội) đã từ bỏ cơ hội làm việc, mức lương cao ở nước tiên tiến sau khi công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới. Sau khi hoàn thành nghiên cứu tại Nhật Bản, năm 2013 ông trở về nước, tiếp tục cống hiến với sự nghiệp đào tạo bác sỹ và nghiên cứu khoa học, cứu chữa bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
GS.TS.BS Tạ Thành Văn – Tân Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh: Q.Anh
Thích Bách khoa nhưng lại theo… nghề Y
Đầu tháng 10 vừa qua, giải Nobel Y học 2018 đã được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (liệu pháp miễn dịch). Trong khi thế giới vinh danh công trình có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực y học và trở thành bước tiến quan trọng trong cứu chữa các bệnh nhân ung thư, còn tại Việt Nam, liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu, có cùng một cơ sở khoa học với liệu pháp miễn dịch trên đã được đưa vào điều trị một số loại bệnh ung thư và có những kết quả ban đầu rất khả quan.
Một trong những học trò xuất sắc của GS. Tasuku Honjo đó chính là GS.TS. Tạ Thành Văn (SN 1964 Quê quán: Bắc Ninh) – Tân Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, người đã có thời gian nghiên cứu gần 8 năm dưới sự dẫn dắt của các GS người Nhật và cũng chính GS.TS. Thành Văn cũng là người đề xuất ý tưởng triển khai liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tại Việt Nam từ năm 2013 và cuối năm 2017, Bộ Y tế chính thức phê duyệt đề án và thử nghiệm lâm sàng điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch trên người với 5 loại ung thư tại Bệnh viện K và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Dù đề án tới năm 2019 mới kết thúc và có kết quả cuối cùng, song kết quả đối với trên 20 bệnh nhân đã được điều trị đã cho thấy tầm nhìn chiến lược khi triển khai liệu pháp này tại nước ta.
Chia sẻ về cái duyên với nghề Y, GS.TS Tạ Thành Văn tâm sự, ông sinh ra trong gia đình đông con tại huyện Đình Bảng (Bắc Ninh), nghề dạy học là “truyền thống” của gia đình từ thời ông, cha. Thời còn học phổ thông ông Văn thích trở thành sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, nhưng cái duyên đến với nghề y đó là do mong muốn của ông được chữa bệnh cho người nhà nếu chẳng may mắc bệnh. Vậy là, quyết tâm ấy đã đạt được khi chàng trai xứ Kinh Bắc thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội khoá 1981-1987, học Bác sỹ nội trú (khóa 14, 1987-1990). Dù ban đầu không chọn nghề y, song GS tâm sự, càng học Y càng đam mê và say mê nghiên cứu.
Sau khi tốt nghiệp đại học, công tác tại ĐH Y Hà Nội từ năm 1990-1994, Tạ Thành Văn sang Nhật làm nghiên cứu sinh sau đó sang Mỹ làm sau tiến sĩ. Năm 2001- 2003, ông tiếp tục làm thực tập sinh sau tiến sĩ Khoa Y, Đại học Kyoto, Nhật Bản, trong phòng nghiên cứu của GS. Tasuku Honjo, người vừa được trao giải thưởng Nobel về Y sinh học 2018. Sau khi hoàn thành nghiên cứu tại Nhật Bản, thực hiện lời hứa với các thầy cô của trường ông trở về nước và tiếp tục công tác tại Trường ĐH Y Hà Nội, đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong giảng dạy, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Xem Thêm :
Tranh cãi quy định đào tạo bác sĩ 9 năm
Quá trình vươn lên top đầu thế giới của nền giáo dục Hàn Quốc
Những đêm trắng trong phòng thí nghiệm
Kể về giai đoạn thực tập sinh sau tiến sĩ Khoa Y, Đại học Kyoto, Nhật Bản (2001 – 2003) GS.TS Tạ Thành Văn cho biết, đó là gần 3 năm làm việc, nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của giáo sư Tasuku Honjo (Nhật Bản) vừa vinh quang vừa khổ cực. GS Văn gọi đó là những ngày “không thấy mặt trời”, làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya. GS Tạ Thành Văn nhớ lại chuyện một nữ tiến sĩ đồng nghiệp người Nhật sau 3 tháng đã phải tự viết đơn xin thôi việc vì không thể làm ra kết quả như mong đợi, dù đã cố gắng làm việc ngày đêm. GS Văn cũng cho biết, lúc đó động lực và khát khao nghiên cứu, đưa ra kết quả thí nghiệm luôn thôi thúc mình. Bởi, những vấn đề đang được triển khai tại phòng nghiên cứu của GS. Honjo là những vấn đề nóng trên thế giới, có tính cạnh tranh rất cao giữa các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Nếu không ra kết quả sớm thì sẽ bị những nhóm nghiên cứu các nước khác công bố trước và như vậy bao công sức nghiên cứu là bỏ đi hết.
Sau gần 3 năm thực tập sinh sau tiến sĩ tại phòng nghiên cứu của GS. Honjo, dù đã có công trình được công bố trên một trong những tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới song GS. Văn đã xin phép thầy Tasuku Honjo về nước trong sự ngỡ ngàng của nhiều đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.
Nghe theo lời thầy Honjo, GS. Văn đã không bị “lạc lõng” và luôn làm các công việc sát với nhu cầu thực tế, đưa vào phục vụ bệnh nhân. Khi trở về nước, trong đầu GS Văn luôn thúc giục phải làm gì đấy để phục vụ người bệnh. Bước đầu tiên của GS Văn là thành lập nhóm nghiên cứu về bệnh lý phân tử của các bệnh di truyền, xác định đột biến gen, tư vấn di truyền và chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán tiền làm tổ… Tiếp đến triển khai khảo sát nghiên cứu ứng dụng các dấu ấn sinh học trong chuẩn đoán sớm ung thư, theo dõi hiệu quả điều trị và tiên lượng. Từ năm 2006, GS Tạ Thành Văn bắt đầu triển khai nghiên cứu về tế bào trị liệu, trong đó có tế bào gốc và gần đây từ năm 2013 là liệu pháp tế bào miễn dịch, kế thừa của công trình của GS Honjo trong điều trị ung thư. Ngoài ra GS còn chủ trì nhiều đề tài/dự án hợp tác quốc tế với các Trường ĐH của Nhật Bản, Hoa Kỳ (Viện Sức khoẻ Hoa Kỳ-NIH).
“Khi nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ, chúng tôi sẵn sàng chuyền giao công nghệ cho bất kể cơ sở y tế nào có nhu cầu, hoàn toàn miễn phí. Hiện tại đã chuyển giao được các công nghệ cho Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Phụ sản Hà Nội, các cơ sở Bệnh viện K… Tôi mong muốn công nghệ mới được đến với nhiều người dân càng sớm càng tốt, sau đó mình lại đưa các công nghệ mới về”, GS Văn chia sẻ quan điểm quan điểm làm khoa học của mình.
Trăn trở với sự nghiệp đào tạo
Là nhà khoa học, công tác trong lĩnh vực đào tạo, GS Tạ Thành Văn luôn trăn trở với công tác đào tạo nghề y trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Theo GS.Tạ Thành Văn, các chương trình đào tạo lam bang dai hoc của chúng ta hiện nay đã lạc hậu, là chương trình của thế kỷ trước do ngày đó thiếu hụt nguồn nhân lực, thời kỳ khó khăn. Hiện nay ở các nước phát triển, họ đã thay đổi cơ bản toàn bộ nội dung chương trình đào tạo y khoa và cách thức giảng dạy, quản lý đào tạo. Chính vì vậy, ở thời điểm này chúng ta cần phải đổi mới cơ bản về đào tạo y khoa một cách triệt để và toàn diện. Trước đây là đào tạo hệ đại học theo “cắt lớp”, nhưng hiện nay đã bắt đầu áp dụng theo block (đào tạo theo vấn đề), trong đó tại Trường ĐH Y Hà Nội đã áp dụng cải cách giảng dạy đối với chương trình Răng – Hàm – Mặt và chương trình Điều dưỡng, sang năm tới áp dụng với bác sỹ đa khoa. Đào tạo giống như một “vở kịch”, trong một buổi giảng có thể có tới trên 2 giáo viên cùng giảng dạy. Điều này rất khác so với trước đây.
Lấy ví dụ từ chính Trường ĐH Y Hà Nội, GS Văn so sánh, so với trước đây chỉ tiêu tăng cao, trong khi nguồn lực được đầu tư tăng không đáng kể, không tương xứng với nhu cầu cần phải có. Ở các bệnh viện thực hành vẫn đang quá tải, các thầy ở trường Y làm việc tại đó dành nhiều thời gian chữa trị bệnh, làm công tác chuyên môn nên thời gian dành cho giảng dạy chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, muốn tăng chất lượng đào tạo bác sỹ phải tăng thêm đầu tư, chia nhỏ nhóm sinh viên, tăng cường thêm đội ngũ giảng viên, đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học…Nói tóm lại, cần phải có nhóm các giải pháp toàn diện thì mới có thể đạt hiệu quả như mong đợi.
“Như nhà Toán học Pitago đã nói: “Đầu tư cho một người thầy chúng ta có cả một thế hệ tốt”. Nghề giáo và nghề y là 2 nghề cao quý. Giảng viên trong trường Y lại kết hợp cả 2 chữ Thầy nên cần có sự quan tâm đặc biệt. Cần thiết phải đánh giá đúng mức vai trò và trách nhiệm của nhà giáo trong nghề y ở giai đoạn hiện nay. Cần nêu cao trách nhiệm của người thầy hơn nữa trong giảng dạy y khoa, đặc biệt là giảng dạy lâm sàng. Đầu tư tốt nhất là đầu tư cho người thầy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, GS Tạ Thành Văn chia sẻ.
Ngày 12/11 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao quyết định bổ nhiệm GS.TS.BS Tạ Thành Văn giữ chức vụ Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. Trước khi được bổ nhiệm chức vụ này, GS.BS Tạ Thành Văn là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội. Ông cũng từng là học trò Việt đầu tiên của giáo sư Tasuku Honjo – người được trao giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018. GS Tạ Văn Thành đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Đến nay, GS. Văn đã công bố trên 250 bài báo khoa học quốc tế và trong nước, đã chủ biên nhiều sách chuyên khảo và giáo trình trong lĩnh vực Hoá sinh học phân tử và tế bào.
Quang Huy