Ngày 6/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 của ngành giáo dục.
Đến dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ… cùng nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Bộ Ngành trung ương, các trường đại học, Bí thư, Chủ tịch của các tỉnh thành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và điều hành, chỉ đạo hội nghị (ảnh Trinh Phúc). |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Năm học 2018 – 2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Năm học này, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo”.
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018 – 2019 các địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn;
Một số địa phương chủ động đưa các nội dung về quy hoạch cơ sở giáo dục vào chỉ thị, nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh;
Sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ thành trường liên cấp có quy mô lớn hơn.
Công nghệ không thể thay thế vai trò của con người trong giáo dục |
Tuy nhiên, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch lại mạng lưới và xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, không đồng nhất;
Thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và thiếu trường, lớp mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất;
Chưa bám sát các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự phát triển của một số cơ sở đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động.
Cũng theo báo cáo của Bộ, năm học 2018 – 2019 đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đội ngũ ngành Giáo dục.
Hệ thống cơ sở dữ liệu đã giúp công tác quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hiệu quả hơn;
Giúp cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp chủ động hoạch định các chính sách cho đội ngũ cũng như công tác chuẩn bị về số lượng, chất lượng đội ngũ.
Năm học quy tồn tại tình trạng một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định;
Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%), do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Trong năm học 2018 – 2019 một dấu ấn mới đó là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Đây là lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp, lớp học.
Cũng theo báo cáo của Bộ Giáo dục, một số địa phương chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước các vấn đề giáo dục của địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời dẫn tới có tượng tiêu cực và mất dân chủ ở một số nhà trường.
Cơ chế chính sách về tự chủ đại học chưa đồng bộ, còn chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật và quy định của các cơ quan chủ quản.
Cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình của đơn vị chưa thực sự hiệu quả.