Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, hiện nay cả nước có 59,63 % giáo viên tiểu học đạt trình độ đào tạo từ đại học sư phạm trở lên và còn 40,36 % (159.934 giáo viên) cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm lên đại học sư phạm trong thời gian khoảng 5 năm và chủ trương không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm.
Trước vấn đề nâng chuẩn giáo viên tiểu học và chủ trương không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định:
“Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay, kể cả trong 5 năm tới nếu không tuyển mới giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng là chủ trương có thể gây khó khăn cho các địa phương và các trường sư phạm, tính hiệu lực, khả thi của chủ trương này thấp”.
Xem Thêm : Quốc hội bàn việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục
Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ rõ nguyên nhân rằng, khi nhu cầu bổ sung giáo viên (tiểu học) tương đối lớn để dạy 2 buổi/ ngày, dạy tích hợp, ghép môn.
Hơn nữa, giáo viên tiểu học rất đa dạng bao gồm cả giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Ngoại ngữ, Tin học… do đó nếu các trường cao đẳng sư phạm không được tham gia đào tạo thì sẽ khó đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh cũng nói thêm, các giáo viên tiểu học trình độ trung cấp và cao đẳng hiện nay đã đảm bảo trình độ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
“Thực tế thấy rằng, chất lượng giáo dục của số giáo viên này chưa hẳn không tốt bằng giáo viên có trình độ cao hơn.
Tuy nhiên, số giáo viên này cũng cần được đào tạo bổ sung, bồi dưỡng, kể cả nâng chuẩn trình độ để đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông”, vị Hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Từ đó, thầy Hạnh đề xuất phương án rằng, các trường cao đẳng sư phạm địa phương chủ trì, liên kết với các trường đại học sư phạm để thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định:
“Ở các nước, giáo dục bậc mầm non, tiểu học rất được quan tâm vì họ quan niệm cấp học đầu tiên là cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển của một con người nên quá trình tuyển chọn rất cẩn thận và giáo viên ở 2 cấp học này không được phép sai lầm.
Hơn nữa, hiện nay ở Hàn Quốc, Hà Lan… họ yêu cầu làm bằng đại học chính quy phải có trình độ thạc sĩ chứ không chỉ là trình độ cử nhân.
Do đó, việc nâng chuẩn chất lượng giáo viên tiểu học ở nước ta hiện nay dù muộn nhưng vẫn là cần thiết”.
Tuy nhiên, thầy Lâm khuyến cáo rằng: “Muốn có giáo viên giỏi thì cần có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, chọn lọc rồi đánh giá, đãi ngộ tốt chứ không đơn thuần chỉ dựa vào bằng cấp là tốt nghiệp đại học.
Nếu chỉ dựa vào bằng cấp thì chúng ta ăn của “giả” hết bởi lẽ muốn có bằng cấp thì ngay lập tức có liền”.