Phạm Văn Linh, trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) liên tục nhắc tới bản lĩnh phòng thi khi nói về chìa khóa giúp em thành thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Phạm Văn Linh là thủ khoa với tổng 56,85 điểm sáu môn thi tốt nghiệp THPT, trong đó Toán đạt 9,2; Ngữ văn 9,25; Lịch sử 10; Địa lý 9,25; Giáo dục công dân 9,75 và Ngoại ngữ 9,4. Sau khi thi xong, so với đáp án Bộ Giáo dục và Đào tạo, Linh dự đoán mình được điểm cao nhưng không nghĩ trở thành thủ khoa cả nước. Hai mẹ con mừng đến mất ngủ khi xem kết quả lúc nửa đêm. Khối thi đại học là gì
“Bố em mất sớm, một mình mẹ đi làm tảo tần nuôi anh em em ăn học, có hôm tăng ca đến 7-8h tối mới về. Tin mừng thủ khoa toàn quốc là món quà em dành tặng mẹ. Em đã dành 12 năm học chỉ để đạt kết quả ngày hôm nay”, Linh nói.
Gia đình không dư giả, từ bé đến lớn, Linh chưa từng đi học thêm nhưng năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Linh học tốt nhất khối D01 (Toán, Văn, Anh). Năm lớp 12, em đạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh, giải nhì thi học sinh giỏi khối D01 của tỉnh Ninh Bình.
Theo thủ khoa tốt nghiệp THPT toàn quốc, thành công của em được tạo nên từ bốn yếu tố gồm động lực bản thân, sự động viên từ mẹ, dạy dỗ từ thầy cô và bản lĩnh phòng thi. Nhờ tâm lý thoải mái, bình tĩnh, em giữ được “phong độ” ổn định để hoàn thành tốt bài thi cả sáu môn.
“Mỗi năm, trường tổ chức thi thử 7-8 lần. Các kỳ thi được thực hiện nghiêm túc, lấy bấy nhiêu điểm vào kết quả học tập”, Linh chia sẻ cách làm này của trường giúp em được rèn luyện bản lĩnh phòng thi liên tục.
Kể lại việc từng bị ám ảnh thời gian dài khi đạt 9 điểm môn Toán thi vào lớp 10 nhưng chỉ nhận 4,5 điểm ở kỳ thi khảo sát năng lực đầu cấp của trường, Linh đã phải nhiều lần tự đặt câu hỏi vì sao lại nhận điểm số tệ đến vậy trong khi không phải không đủ kiến thức để giải bài. Nỗi ám ảnh 4,5 điểm đó khiến Linh hiểu rằng sự lo lắng, hồi hộp làm em mất bình tĩnh trong thi cử.
Trong các kỳ thi lần sau của trường, Linh có thêm cơ hội để rèn luyện bản lĩnh phòng thi. Nhờ đó, điểm số em đạt được nâng dần. Bây giờ, mỗi lần vào phòng thi, Linh không còn lo sợ nữa mà thấy tự tin. Kể cả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Linh vẫn nghĩ đơn giản đây là một lần rèn luyện, thi thử nhằm giảm nhẹ áp lực.
“Chẳng hạn với ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, em mặc định mình không dùng điểm để xét đại học và kết quả rõ ràng, điểm các môn này rất cao”, Linh dẫn chứng. Em vẫn thường nói với các bạn kiến thức quan trọng nhưng tâm lý phòng thi cũng quan trọng không kém để có kết quả tốt trong mỗi kỳ thi. Khi nào thoát khỏi gánh nặng trong đầu, sĩ tử mới có thể tự tin chinh phục mọi kỳ thi.
Tất nhiên, để đạt kết quả tốt luôn cần một nền tảng kiến thức vững chắc. Chàng trai đến từ Ninh Bình tâm sự phương pháp học tốt cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là chăm chú lắng nghe thầy cô giảng trên lớp để nắm chắc kiến thức. Về nhà, em ôn lại, mở rộng bài học trên nền tảng giáo viên cung cấp.
Mỗi ngày, buổi sáng và buổi chiều, Linh học ở trường, sau đó dành khoảng 15-30 phút trao đổi chia sẻ kiến thức với các bạn. Buổi tối em học 4-5 tiếng đến khoảng 23-24h sẽ đi ngủ.
Trong ba năm THPT, Linh luôn phân bổ thời gian hợp lý cho mọi môn học. Kinh nghiệm học tốt các môn học Tự nhiên cần tư duy, tính toán của Linh là tự học, tự giải. Tiếp đó, em lắng nghe cách giải của thầy cô, tự kích thích trí tuệ của mình làm ra cách làm mới nhanh và đúng. Đối với các môn xã hội, em chú trọng học bản chất. Khi đó, dù câu hỏi xoay thế nào, em vẫn làm được bài.
Cô Tô Thị Hường, giáo viên môn Toán, Trường THPT Yên Khánh, nhận xét Linh chăm chỉ, tự tin và có ý chí phấn đấu không ngừng. Bản thân em luôn cố gắng vượt lên trên hoàn cảnh để đạt được những thành tích tốt nhất. Cậu học trò cũng khiêm tốn, nhiệt tình và trách nhiệm trong mọi công việc của tập thể.
“Với ý chí và bản lĩnh của mình, Linh rất xứng đáng với kết quả đó. Tôi tin Linh sẽ tiếp tục có nhiều thành công trên các chặng đường tiếp theo”, cô nói.
Khi vào cấp ba, nhà trường xét thành tích thi đầu vào cao và hoàn cảnh gia đình nên đã dành tặng Linh một suất học bổng của đơn vị tài trợ thường niên cho các học sinh trong trường trị giá 16 triệu đồng mỗi năm. Thế nhưng, Linh từ chối không làm hồ sơ, nhường cơ hội cho bạn khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Chị Nguyễn Thị Hà, mẹ của Linh cho biết con trai luôn lạc quan và nhận thức trưởng thành trước tuổi. Ở nhà, Linh khá ít nói nhưng ra ngoài lại năng động và hoạt bát. Ngay từ tiểu học Linh thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. “Cháu cũng chăm chỉ và chịu khó vì thương mẹ vất vả”, chị Hà nói.
Nam thủ khoa toàn quốc được xét tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin của Đại học Thuỷ Lợi và trúng tuyển đợt xét tuyển sớm vào ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, em sẽ đăng ký xét tuyển đối tượng 6 (kết hợp thành tích học sinh giỏi tỉnh và điểm thi) vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Kinh tế quốc dân và đặt kỳ vọng cao nhất vào ngành này.
Thời gian tới, Linh dự định tìm hiểu thêm về ngành Khoa học máy tính để chuẩn bị nền tảng tốt khi vào đại học. Em cũng muốn tìm việc làm thêm nhằm có thêm thu nhập và tiếp xúc với xã hội bên ngoài sớm hơn.