– Tôi thấy mình có duyên với nghề giáo ngay từ lúc đứng trên bục giảng thực tập thời kỳ là sinh viên sư phạm làm bằng đại học.
“Em suýt chăng dây cho cô ngã”
Năm cuối đại học, lớp chúng tôi thực tập ở một trường cấp 3 của huyện ngoại thành Hà Nội (Hà Tây cũ).
Học sinh thời nào, ở đâu cũng thế, nghịch ngợm và sẵn sàng “bắt nạt ma mới”.
Đó là vì sau này, một trong những học trò “cá biệt” kể lại: “Hồi cô mới vào lớp, em định chăng dây cho cô ngã. Nhưng buổi đó em lại đến muộn, nên cô đang giảng bài mất rồi…”.
Cậu học trò ấy đang là đối tượng mà nhiều thầy cô trong trường bất lực. Chẳng hiểu sao, đến giờ dạy của tôi, cậu lại rất hào hứng.
Mãi về sau, khi đã gần gũi tin cậy, cậu và những người bạn khác mới nói: Giờ học đó em thôi ý định “chăng dây” bởi khi vào lớp, em thấy cô không như những người khác. Cô không đứng ở một thế giới đối lâp với chúng em và không tỏ ra xa cách.
Tôi cũng chẳng hiểu sao học trò có cảm nhận như thế. Có lẽ là sự chân thành, say sưa trong từng bài giảng của tôi đã thuyết phục các em chăng?
Khi kết thúc thực tập, “thành công” lớn nhất của tôi có lẽ là kéo lại được cậu học sinh “chăng dây” ở lại trường. Bởi trước đó khi nhận lớp, thầy chủ nhiệm đã nói chuyện và bảo cả trường gần như bất lực với sự quậy phá của cậu. Hôm chia tay, thậm chí bố mẹ của cậu còn đến tiễn tôi với nhiều xúc động.
Khi trở lại trường sư phạm, các em còn đạp xe lên ký túc xá thăm mình. Thậm chí, khi tôi đã về quê làm việc, các em còn viết thư kể đủ mọi thứ chuyện. Còn tôi thì vẫn nhớ những ngày tháng trong trẻo đó, học trò chở cô giáo thực tập đi hội làng bằng xe đạp, dưới mưa phùn. Tôi thấy cứ như hội làng trong thơ Nguyễn Bính. Đẹp vô cùng! Và tôi chia sẻ những sự háo hức đó với các em.
“Thách đuổi học được…tao đấy”
Ra trường, tôi không ở lại Hà Nội tìm cơ hội mà trở về quê nhà. Chật vật lắm, bố mẹ cũng xin cho tôi được dạy ở một trường cấp 3 ở huyện nhà, không phải đi miền núi.
Toàn huyện có 4 trường cấp 3, trường tôi dạy xếp hạng 3, hạng 4 gì đó. Học trò nông thôn nghèo, sự đều đặn buồn tẻ ở quê khác hẳn sự tấp nập nơi phố hội, khiến tôi không khỏi hụt hẫng.
Nhưng không ngờ tôi lại được tiếp sức từ những học trò thuần phác ấy. Học trò đã vực tôi dậy, ở những thời khắc chông chênh, thất vọng của cuộc sống. Nhiệt huyết của giáo viên trẻ là tôi phần nào đã khuấy động các em hào hứng với việc học.
Vài năm sau, huyện mở trường bán công, tôi chuyển việc ra đó. Có được lợi thế gần nhà (lúc này tôi đã lập gia đình), nhưng những trải nghiệm dạy học ở đây thật khó mà nói là dễ chịu. Đến lớp, doạ với dỗ là nhiều, dạy ít. Phụ huynh thì “vứt” con như vứt cỏ, chưa kể còn doạ dẫm giáo viên ít nhiều. Có những phụ huynh không đóng tiền học, là cô giáo chủ nhiệm, tôi còn ứng ra mấy triệu đóng trước cho các em. Nhưng đến khi nói chuyện, phụ huynh chẳng những không trả mà còn cãi nhau tay đôi.
Từ trước khi có khẩu hiệu “trường học thân thiện”, chúng tôi đã coi học sinh như con em mình. Những em học sinh ngoan, có ý thức luôn là nguồn động viên lớn mỗi khi chúng tôi đứng trên bục giảng, song bên cạnh đó không ít những trường hợp đi học để phá bĩnh cho vui.
Đồng nghiệp của tôi đã trăn trở áp dụng nhiều cách với một học sinh “cá biệt”. Em không bỏ học, thậm chí đi học rất thường xuyên vì bố mẹ luôn cử người đưa đón. Nhưng trong lớp, em chỉ ngồi chứ không có bất cứ động thái nào của việc học. Nhắc ghi bài thì em nói “tay đau” (mà hôm nào cũng đau). Rút điện thoại ra chơi điện tử bị phát hiện, em nói luôn: “Em cho thầy đấy, mai lại mua cái khác”. Đã nhiều lần ngồi nói chuyện nhẹ nhàng phân tích, em vẫn chứng nào tật ấy. Em nói không sợ lưu ban, cùng lắm là học 2 năm lớp 11 cũng chẳng sao. Nhiều lần nói hỗn với thầy cô, bị mời lên để xử lí kỉ luật, em vẫn cười đùa và tuyên bố: “Thách đuổi học được tao đấy”.
Đừng nghĩ rằng chúng tôi nóng vội, không có tính sư phạm hay không biết lắng nghe học sinh. Trước mỗi học sinh đặc biệt, bao giờ việc đầu tiên chúng tôi làm cũng là tìm hiểu hoàn cảnh và lắng nghe tâm sự của các em, nhưng đã có lúc dở khóc dở cười với điều ấy.
Có đồng nghiệp của tôi khi nhận lớp chủ nhiệm, việc đầu tiên sau buổi học, ngồi lại gần 1 tiếng đồng hồ để nói chuyện với một nữ sinh đã gây ra 2 vụ đánh nhau trong trường. Cô đã khóc khi nghe em kể về gia đình, bố cờ bạc, rượu chè, bồ bịch và thường xuyên đánh đập hành hạ 2 mẹ con. Cô đã nắm tay học trò và tự hứa với mình sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ. Thế nhưng, chỉ sau đó 15 phút, vô tình chạy xe sau trên đường về, cô nghe em nữ sinh đó bô bô với bạn: “Tao bịa như xiếc mà bà ấy tin mày ạ!”. Đồng nghiệp của tôi chết điếng người, phải dừng xe lại, lồng ngực cô như vỡ vụn….
Tôi thấy thương mình và cả đồng nghiệp. Vậy mà chúng tôi vẫn phải song hành cùng những phụ huynh ấy, học sinh ấy.
Nhưng môi trường này lại dạy tôi thêm một kỹ năng khác, đó là tập cho mình bớt cái nhìn tiêu cực, tìm và nhìn ra những điểm tích cực để vun trồng, gầy dựng. Thậm chí, trong những học sinh được xem là “láo, hư, cá biệt” vẫn còn những phần trong sáng. Những lúc nhìn ra và khơi gợi được cái phần trong sáng đó, tôi thấy như mình được bồi đắp lại, trong trẻo cuộc đời.
Ở môi trường đó, vào lớp học mà bắt gặp được những ánh mắt háo hức trông chờ giờ học của học sinh, tôi vui khôn tả….Niềm vui cũng được vun đầy, khi một học sinh mà mình cưu mang vì gia cảnh khó khăn, đến năm lớp 12 em đỗ thủ khoa khối C của ĐHQG Hà Nội, một kết quả được xem là…xa xỉ ở ngôi trường này.
Thế sự dần đổi thay, học sinh dần ít đi, trường có nguy cơ sáp nhập. Lũ chúng tôi mỗi người tìm một hướng để tiếp tục sự nghiệp.
Đồng nghiệp: Những người thầy quanh tôi
Năm đó, tôi gặp chyện buồn trong gia đình, nhưng lại may mắn trong công việc. Tôi đã nộp hồ sơ vào một trường cấp 3 hàng đầu của tỉnh, ở trên thành phố.
Đúng năm đó trường tuyển giáo viên. Tôi tham gia ứng cử, và cũng như nhiều bạn bè, cũng tìm manh mối chỗ này chỗ nọ để “chạy”. Nhưng kết quả trả về thật bất ngờ là tôi đã trúng tuyển vào trường khi chưa kịp gõ được cái cửa “chạy” nào.
Khi bước vào môi trường mới, tôi thấy mình thấy may mắn. Vất vả tăng gấp 10, hy sinh gấp 20 lần (số tiết dạy tăng lên, nhà ở xa, hầu như còn rất ít thời gian cho con cái, thú vui); nhưng tôi cảm thấy mình lớn lên trưởng thành hơn.
Học sinh ngoan, có ý thức có văn hoá và tính cách có đam mê và chính kiến….thực sự là thử thách mới, nhưng cũng là động lực để tôi vượt lên chính mình.
Những cơ hội để phát triển chuyên môn được mở ra: Tham dự các khoá học có giá trị, được tham gia làm đề cho những kỳ thi ở quy mô tỉnh…
Một động lực nữa là đồng nghiệp; chẳng đâu xa, họ chính là những người thầy của mình. Họ lớn lao lắm, nhưng cứ giản dị, âm thầm, lặng lẽ vậy thôi.
Tính về tuổi nghề, đến nay tôi cũng đã được 15 năm. Những người bạn đồng khoá ở trường sư phạm về các tỉnh khác, hay các đồng nghiệp nhiều tuổi hơn, từng chia sẻ họ đang chán nghề. Cái chán đó có lẽ do bạn bè “đa mang” quá chăng, không còn muốn theo đuổi con đường đứng lớp.
Còn với tôi, cái háo hức của giáo sinh ngày nào ở trường huyện ngoại thành vẫn còn nguyên vẹn. Cậu học trò chăng dây suýt bỏ học năm đó đã theo học hết cấp 3, đi học trường nghề. Và một ngày Tết mấy năm sau đó, cậu rủ người yêu phi xe máy hơn 200 km đến thăm tôi bất ngờ, đột ngột.
Hạ Anh (Ghi theo lời kể của một cô giáo ở Thanh Hoá)